Cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật lái xe an toàn.

Tổng hợp các kỹ thuật phanh ô tô cơ bản

0 20

Với cấu trúc phức tạp, để phanh xe ô tô đúng cách đôi khi không phải là điều đơn giản mà cần nắm rõ nhiều kỹ thuật xử lý đúng cách.

Phanh trên xe ô tô hiện nay phần lớn là loại phanh đĩa, một số xe dùng kết hợp phanh tang trống ở bánh sau. Bạn có thể so sánh giữa phanh ô tô với phanh xe đạp cho dễ hình dung: ở xe đạp, nếu 2 má phanh xiết vào vành thì ở ô tô 2 má phanh xiết vào đĩa. Phanh kiểu tang trống thì khác hơn một chút, guốc phanh được mở ra và ép vào tang trống từ bên trong tạo ra lực hãm để giảm tốc của xe.

Khi người lái ô tô đạp phanh, nơi này sẽ truyền lực động trực tiếp lên má phanh và làm cho má phanh xiết vào đĩa phanh (đối với phanh đĩa) hoặc guốc phanh ép sát vào tang trống, tạo ra một lực ma sát lên bánh xe, giúp xe giảm tốc độ. Như vậy về nguyên tắc, chỉ cần đạp chân phanh nếu muốn giảm tốc hoặc dừng xe, giống với việc bóp thắng khi đi xe đạp.

Phanh nhiều lần/nhấp phanh

Bạn đã từng đi xe đạp sẽ hiểu rằng điều khiển phanh là cả một nghệ thuật. Khi buộc phải dừng xe gấp, bạn bóp phanh nhẹ nhẹ, rồi mạnh lên, khi đã hãm được vận tốc, bạn sẽ nhả phanh chậm chậm để có thể dừng đúng vị trí cần thiết. Còn nếu bạn bóp thắng mạnh từ đầu đến cuối thì chắc chắn chiếc xe của bạn sẽ bị giật một cái rồi gần như mất thăng bằng khi dừng lại, có khi bánh sau còn bị trượt khỏi quỹ đạo, rất nguy hiểm.

Khi phanh xe ô tô cũng vậy, vấn đề thường gặp của bạn là hay đạp phanh mạnh và gấp. Thành ra nhiều khi xe dừng sớm, trước điểm mốc cần thiết, và xe lại bị giật một cái khá mạnh trước khi dừng hẳn, tạo cảm giác khó chịu cho người trên xe. Hiện tượng này là do phanh dúi, bạn nên phanh từ từ và nhiều giai đoạn, từ khóa chuyên môn gọi là phanh nhiều lần/nhấp phanh. Hiểu đơn giản, phanh nhiều lần để tạo ra các lực biến đổi thay vì cố định. Đầu tiên là đạp phanh nhẹ, sau đó mạnh dần lên, khi muốn dừng hẳn thì lại đạp phanh nhẹ.

Với kỹ thuật phanh này, xe có thể dừng xe một cách nhẹ nhàng tại điểm dừng mong muốn. Điều quan trọng là bạn điều chỉnh lực đạp cho phù hợp. Cũng có nhiều người bỏ qua bước phanh nhẹ mà bắt đầu bằng đạp hơi mạnh để xe giảm tốc độ, sau đó đạp nhẹ dần hoặc nhả phanh để tận dụng đà của xe, rồi đệm tiếp phanh cho xe dừng hẳn. Kỹ thuật phanh nhiều lần/nhấp phanh được nhiều người sử dụng trong khi tham gia giao thông và trong trường hợp phanh dừng xe bình thường, không có tính huống bất ngờ xảy đến.

Chưa hết, với cách phanh xe khoa học như trên, bạn có thể đảm bảo các yếu tố quan trọng khác giúp an toàn và hiệu quả hơn. Tránh bị bó phanh nếu đạp phanh mạnh và đột ngột. Tiết kiệm nhiên liệu, giảm hao mòn với phanh, lốp và các bộ phận cơ khí khác. Đảm bảo độ ma sát phù hợp cho xe không bị trượt do đạp phanh chết. Và tạo sự thoải mái cho hành khách ngồi trên xe,…

Phanh dưới ngưỡng tối đa

Phanh dưới ngưỡng tối đa nghĩa là người lái chủ động đạp phanh tới một lực tối đa và giữ sao cho chưa vượt qua giới hạn dẫn tới trượt bánh. Kỹ thuật phanh này thường được sử dụng trong các cuộc đua nhưng đôi khi cũng phải dùng trên các tuyến đường công cộng trong các tình huống bất ngờ, đặc biệt là ở các tuyến đường cao tốc.

Với những người có kinh nghiệm, chỉ cần dựa vào độ rung của vô lăng là người điều khiển ô tô đã biết được lực phanh gần ngưỡng hay chưa. Để cảm nhận được điều này, bạn cần thực hành rất nhiều, dần dần bạn sẽ cảm nhận được với độ rung tay lái như thế nào thì xe chuẩn bị trượt bánh.

Rà phanh

Rà phanh là kỹ thuật được sử dụng khá nhiều khi đua xe. Đây là một kỹ thuật khó, thường được các tay đua sử dụng trong các chương trình biểu diễn hoặc đua xe, khi người điều khiển xe muốn lúc đi qua khúc cua chỉ mất một khoảng thời gian tối thiểu và không muốn giảm tốc độ của xe.

Như vậy, khi vào khúc cua, xe giữ tốc độ cao và tài xế sẽ nhấn phanh bằng một lực vừa phải cho đến hết đoạn cua. Khi đó, xe vẫn giữ được tốc độ cao trong suốt hành trình. Phanh xe kiểu này rất dễ làm xe mất lái, mất khả năng kiểm soát tốc độ và gây ra nhiều tình huống nguy hiểm. Do đó, đây là kỹ năng chủ yếu dành cho các tay lái chuyên nghiệp.

Nếu bạn là một người mới biết sử dụng xe ô tô, đừng nên mạo hiểm rà phanh trên đoạn đường của mình. Bởi nếu không làm đúng cách, xe và chính bạn có thể gặp nguy hiểm. Hơn nữa, hệ thống phanh cũng bị ảnh hưởng và má phanh nhanh mòn hơn.

Giảm tốc kết hợp phanh và số

Cũng gần giống với việc rà phanh nhưng khác là trong trường hợp này, bạn về số thấp kết hợp cùng đạp chân phanh để giảm tốc của xe hoặc tăng tốc ở những đoạn đường khó như dốc đồi, đèo… Kỹ thuật này cũng rất thường được các tay đua sử dụng trong quá trình đua xe, nhất là khi muốn vượt xe khác hoặc vào những đoạn cua khó. Toàn bộ quá trình kết hợp phanh và số bạn cần nhanh nhạy và khéo léo để giữ vô lăng, gạt cần số và di chuyển chân từ bàn chân ga và chân phanh.

Phanh khẩn cấp (phanh gấp)

Là những tình huống dùng phanh một cách gấp gáp trong những trường hợp bất ngờ. Nếu đạp phanh một cách đột ngột và lực mạnh, nhiều khả năng xe ô tô sẽ bị bó cứng phần phanh lại, khiến bánh xe mất ma sát, không bám lăn trên mặt đường nữa mà trượt theo quán tính, xe sẽ hoàn toàn bị mất kiểm soát.

Để phanh gấp được hiệu quả khi xe đang đi tốc độ cao, cần đạp mạnh chân phanh đến khi cảm giác bánh xe đã bắt đầu trượt trên đường, nhưng vẫn đi thẳng theo chiều vẫn kiểm soát được tay lái, ngay lập tức nhả chân phanh. Xe hết trượt, lại tiếp tục phanh cho đến khi xe dừng hẳn lại. Kỹ thuật này cũng cần tay lái của bạn khá thành thạo, do đó nên thường xuyên luyện tập để đảm bảo bạn có thể xử lý những tình huống thực tế.

Mất phanh

Trong quá trình tham gia giao thông, việc xe bị mất phanh do sự cố phanh hỏng cũng tương đối phổ biến. Đây là tình huống nguy hiểm khiến người lái xe hoảng loạn khi không làm chủ được tốc độ, đặc biệt nếu đang đi trên đèo dốc hoặc đường cao tốc, bạn càng dễ mất bình tĩnh hơn nữa. Để xử lý ô tô mất phanh, điều quan trọng là bạn hãy bình tĩnh, giữ chắc tay lái, gạt cần về số thấp nhất, cân bằng tay lái để tránh những vật phía trước.

Sau đó quan sát 2 bên đường, chọn một vị trí an toàn để đâm xe vào, đảm bảo thiệt hại thấp nhất và tính mạng của bạn được bảo toàn. Khả năng xe tự dừng lại là rất thấp. Vì vậy, ưu tiên những chướng ngại vật mềm như bụi cây, ruộng cỏ,… để “hạ cánh”. Hệ thống phanh trên ô tô là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành và sự an toàn xe do đó hãy thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên.

Hãy luyện tập phanh xe nhuần nhuyễn

Nói chung, điều quan trọng nhất vẫn là quá trình luyện tập của các bạn. Hãy là một người chủ xe thông minh. Tự nghiên cứu, rèn dũa để chuẩn bị những hành trang kĩ càng trên các hành trình của mình. Để vượt qua kì thi sát hạch bằng lái xe, bạn cũng đã tập luyện nhiều nhưng vẫn chưa đủ để bạn hiểu rõ hệ thống phanh và dễ dàng xử lý những tình huống bất ngờ. Cho nên, tốt nhất là dành nhiều thời gian để tập phanh trong giai đoạn đầu điều khiển ô tô của bạn.

Để làm quen và luyện tập cách đạp phanh, bạn nên chọn địa điểm vắng và đường bằng để tập. Có thể ban đầu bạn chỉ cần làm quen với cách sử dụng bàn đạp phanh, để có cảm nhận về tác dụng khi đạp với lực mạnh hoặc nhẹ khác nhau. Trong giai đoạn này, bạn chưa cần đặt mốc điểm dừng dự kiến. Chỉ cần cho xe di chuyển với tốc độ vừa phải, sau đó đệm phanh nhẹ, rồi lại nhả phanh tăng tốc, rồi lại đạp phanh mạnh hơn để giảm tốc. Quá trình này lặp lại nhiều lần, bạn sẽ có cảm giác và quen với cách sử dụng phanh.

Đồng thời, chú ý bảo trì hệ thống phanh thường xuyên để đảm bảo khả năng mất phanh sẽ không bao giờ xảy ra. Ngoài ra, việc kiểm tra phanh sẽ giúp khắc phục những hư hỏng trên phanh làm máy móc hoạt động trơn tru và tăng tuổi thọ cho xe.

Bình luận bài viết

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.